Sunday, February 25, 2018

Tôi và bản sắc giáo dục ở Việt Nam

Tôi không thực sự cảm thấy phù hợp với môi trường giáo dục ở Việt Nam.

Nhưng tôi cũng chưa bao giờ có suy nghĩ gắt gỏng về tuổi thơ và những trải nghiệm đi học lúc tôi còn bé.

Những ngày học về các hệ thống giáo dục ở các nước khác, các bạn cùng lớp mang đến cho tôi những chia sẻ rất đáng quý. Một điểm chung ở họ là họ đều rất trân trọng giá trị giáo dục tại quốc gia họ, mặc dù họ cũng thấy ở chúng những điểm tiêu cực và bất lợi cho thế hệ trẻ. Nhất là các bạn đến từ Trung Quốc. Họ bàn về Gaokao (kỳ thi chuẩn hóa quốc gia để xét tuyển vào đại học, tương tự như thi tốt nghiệp của Việt Nam) với những quan điểm nhức nhối, những ý kiến muốn đổi mới, nhưng cũng không thiếu những ý niệm tự hào. Tương tự, hệ thống giáo dục Ấn Độ được những người bạn xứ Thiên Trúc khắc họa với những định kiến xã hội-giai cấp nặng nệ, hệ thống quản lý quan liêu và thiếu xuyên suốt, nhưng các bạn không quên nhắc tới những thành công vượt trội trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà.

Có thể bởi vì đa số họ là giáo viên nên họ cảm nhận được niềm đam mê mà họ được nền văn hóa và môi trường nước nhà nuôi dưỡng. Có thể bởi vì chính họ đều đã trải qua những điều tiêu cực dưới hệ thống đó mà vẫn trưởng thành để nuôi những tư duy tích cực hơn, những cố gắng miệt mài hơn để mong khắc phục phần nào những tiêu cực cho những thế hệ tiếp theo.

Ước mơ đi học về giáo dục là ước mơ thành sự thật đối với tôi. Mặc dù tôi thực hiện ước mơ của mình ở tuổi không còn quá trẻ và quá nhiều tự do, nhưng trải nghiệm và nổ lực mang lại cho tôi nhiều suy nghĩ tích cực với quá khứ, với những điều đã xảy ra với tôi. Tôi thật sự tin rằng, nếu quá khứ khác đi, tôi đã không thể trân trọng hiện tại này nhiều như vậy.

Lúc còn đi học cấp III, tôi ganh tỵ với một người bạn cùng tuổi vì bạn ấy được gia đình cho đi du lịch nước ngoài mỗi dịp nghỉ hè. Tuy nhiên, bạn ấy lại không thể mở miệng nói một câu tiếng Anh đúng ngữ pháp. Tôi đã ước rằng nếu tôi là bạn ấy, vốn ngoại ngữ của tôi sẽ rất khủng. Lớn lên, khi nghĩ lại, nếu tôi có hoàn cảnh như bạn, chắc tôi đã không được ba dành thời gian dạy ngoại ngữ từ bé qua âm nhạc và phim ảnh, và chắc tôi cũng không có nhiều cố gắng để đạt được cái mình muốn.

Tuy nhiên, những giá trị nền tảng về văn hóa, gia đình, môi trường ở Việt Nam đã không được tôi chú trọng, để tâm trong một thời gian rất dài. Tôi mải mê đi tìm kiếm những giá trị mới mà tôi cho là hiện đại hơn, hay ho hơn. Đi một chặng đường dài đến một nơi xa xôi, chính tại đây, tư duy hướng về cội nguồn của tôi mới được kích phát. Đây là một điều mà trước đây tôi đã không thể hình dung được. Những tưởng tôi sẽ được truyền đạt những khái niệm, phương pháp hiện đại nhất từ những chuyên gia đầu ngành, vậy mà các Giáo sư ở đây chỉ đóng vai trò là người mở đường nhiều hơn là đặt vào tay tôi kiến thức. Họ chủ yếu dạy cho tôi những kỹ năng cơ bản để thẩm thấu kiến thức, hướng cho tôi những cách tiếp cận đa chiều. Còn tôi mới là người quyết định tôi sẽ học cái gì, tiếp cận nó như thế nào và lĩnh hội nó ra sao.

Mới đây, tôi xem bộ phim tài liệu "Schooling the world", bộ phim thức tỉnh tôi tìm về giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc trong giáo dục. Bộ phim đưa ra cái nhìn về diễn biến Tây hóa (Westernization) trong giáo dục, mà ở đó, mục đích của giáo dục ở những vùng nông thôn xa xôi là không những mang lại kiến thức, kỹ năng, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, mà còn là cung cấp nhân lực cho nền kinh tế thương mại đậm chất tư bản. Nói cách khác, một học sinh đến trường với suy nghĩ cậu ta phải phấn đấu học giỏi, và thành công của cậu sẽ là đầu quân cho những công ty thương mại, điện tử, nghiên cứu mang tầm Quốc tế. Nhưng nếu câu ta không phù hợp với văn hóa giáo dục này thì sao? Cậu ta sẽ bị đào thải. Cậu ta sẽ không biết cách tự mình sinh tồn như cách mà các thế hệ trước từng sinh sống, gắng bó với vùng đất và cộng đồng bản địa. Những điều như vậy không được dạy ở trường. Câu hỏi đặt ra là, liệu giáo dục có còn mang bản chất tạo ra sự ổn định xã hội như bản chất mà nó vẫn thường được biết đến. Hay giáo dục đang chỉ là công cụ cho sự phát triển của xã hội tư bản?

Tôi nhìn nhận mình là một người bị Tây hóa trong kiến thức và suy nghĩ. Đã từ lâu, tôi lấy chuẩn mực kiến thức và tư duy của những quốc gia phát triển làm thước đo và mục tiêu phát triển bản thân. Cùng lúc, tôi không biết rằng mình cũng đang trên đà trở thành nhân lực cho các giá trị thương mại vô hình của những quốc gia này. Tôi đã bỏ qua rất nhiều ý niệm và kiến thức về đất nước, con người, văn hóa của Quốc gia mình trong các bài giảng, và trong những dự án giáo dục của tôi. Tôi thực sự cần nhìn lại tầm quan trọng của bản sắc dân tộc trong tư duy về giáo dục của bản thân.

Sau khi xem bộ phim  "Schooling the world", những gì còn đong lại trong tôi là giai điệu của bài hát "Youth of the nation". Đây là một trong những bài hard rock mà tôi rất thích. Bài hát được sáng tác bởi P.O.D. và có giai điệu rất dễ nhớ. Tuy nhiên, đó là một bài hát với nội dung rất buồn. Nó được sáng tác sau sự kiện nổ súng hàng loạt tại 2 trường trung học Mỹ vào năm 2001. 17 năm sau, tính chất thời sự của bài hát vẫn chưa thể hạ nhiệt. Nước Mỹ, nơi được công nhận những giá trị về phát triển, về thịnh vượng, luôn là nước có số vụ nổ súng tại trường cao nhất thế giới. Bài hát được đưa vào nền của một bộ phim tài liệu về giáo dục, khiến cho nội dung của nó càng thêm nhức nhối. Trên nền của lời bài hát mang tính cảnh tỉnh (We are we are the youth of the nation) là những hình ảnh của những khuôn mặt vô tư và hạnh phúc của những em học sinh ở Ấn Đô. Liệu các em sẽ được hưởng nền giáo dục phù hợp nhất cho các em?



No comments:

Post a Comment

Sức khỏe cho tâm hồn

Vi thật sự công nhận mình không phải là người có thói quen và kỷ luật để viết blog. Vi chỉ nghĩ đến nó khi trong lòng có muộn phiền không nó...